Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Thực trạng và Giải pháp về phần mềm điều khiển công nghiệp tại Việt Nam


Với tiến trình toàn cầu hoá mạnh mẽ như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong việc đổi mới công nghệ sản xuất. Hiện nay, nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài chiếm tỉ lệ áp đảo trong các nhà máy mới được xây dựng. Trong quá trình chuyển giao và ứng dụng các công nghệ tự động hoá vào thực tế Việt Nam, hàng loạt các bất cập đã nảy sinh mà không phải vấn đề nào cũng có giải pháp khắc phục trong một sớm một chiều. Nhiều hệ thống tự động hoá trong các nhà máy chỉ vận hành tốt trong thời gian ban đầu khi còn có bảo hành và chuyên gia bảo dưỡng nước ngoài. Những dây chuyền sản xuất khi đưa vào sử dụng đã không phải là loại tiên tiến nhất khi đó, nên chỉ một thời gian sau đã bắt đầu khó kiếm linh kiện thay thế. Việc thay đổi các yếu tố đầu vào của sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hay các yêu cầu về bảo vệ môi trường đôi khi biến một dự án dự kiến có lãi thành món nợ chồng chất cho các nhà đầu tư.
Một trong các yếu tố cơ bản khiến cho việc đổi mới công nghệ ở Việt Nam trở nên đầy rủi ro là do ta thiếu chủ động về khía cạnh công nghệ. Các hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài theo kiểu chìa khoá trao tay cho phép triển khai nhanh một dự án sản xuất, nhưng đồng thời cũng chứa đựng những nguy cơ tiềm tàng, khi không một đơn vị địa phương nào nắm bắt rõ bản chất của công nghệ để có thể có biện pháp kịp thời đáp ứng cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ khi có các vấn đề nảy sinh sau này.



Hệ thống điều khiển máy xeo giấy
Việc huấn luyện đào tạo nhân sự, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài trên thực tế thường có những điểm sơ suất ngay từ giai đoạn thiết kế dự án và soạn thảo hợp đồng chuyển giao. Một trong những vấn đề hay gặp phải là không có hồ sơ công nghệ theo đúng yêu cầu cần có. Mặc dù bên tiếp nhận công nghệ cố gắng cử người nắm bắt, nhưng do trình độ có hạn, thời gian đào tạo lại quá ngắn, nên chỉ có thể tiếp thu các vấn đề cơ bản, các chi tiết quan trọng khác đôi khi bị bỏ qua. Nếu tính đến sự biến động nhân sự, những người này theo thời gian không còn làm việc nữa, thì doanh nghiệp không còn nắm được thông tin cốt lõi về công nghệ được chuyển giao nếu chúng không được lưu lại đầy đủ trên giấy tờ. Vì vậy, để có thể có bộ hồ sơ công nghệ theo đúng yêu cầu, không nên sử dụng dịch vụ của các công ty tư vấn thiết kế chung chung, mà cần nhờ đến sự giúp đỡ của các công ty tự động hoá có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường.
Các thông tin cơ bản lưu giữ tại doanh nghiệp trên đây là các cơ sở dữ liệu ban đầu rất cần thiết cho công tác vận hành, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống sau này. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều vấn đề phát sinh chỉ có thể do hãng chế tạo hệ thống tự động hoá trực tiếp xử lý, khiến doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ trở thành con tin dài hạn của bên chuyển giao nước ngoài nếu hệ thống làm việc không hiệu quả hoặc không thích nghi được với sự thay đổi trong quá trình sản xuất kinh doanh. Một trong những hướng có thể giải quyết cơ bản được vấn đề này là quan điểm sử dụng công nghệ nội địa ngay từ giai đoạn đầu tư ban đầu, tất nhiên với những điều kiện ràng buộc ngặt nghèo.
Nội địa hóa công nghệ tự động hoá là bài toán có nhiều thành tố, trong đó có thể kể đến phần mềm điều khiển công nghiệp. Có thể nói phần mềm loại này là thành phần cốt lõi không thể tách rời trong các công nghệ sản xuất tự động hoá: các nhà chuyển giao công nghệ hoặc là đại lý cung cấp, hoặc là nhà tích hợp trực tiếp của các phần mềm này. Một trong những biện pháp căn bản và lâu dài để giải quyết vấn đề chủ động về công nghệ là phát triển phần mềm điều khiển công nghiệp nội địa. Đây là những nhiệm vụ đầy khó khăn cho các nhà sản xuất và ứng dụng hệ thống tự động hoá Việt Nam nhưng cũng không phải là bất khả thi nếu xét trên quan điểm thực tiễn.


Những kinh nghiệm cần thiết để phát triển


Bộ khởi động mềm – SIRIUS 3WR cho điều khiển động cơ công nghiệp
Trước hết chúng ta xem xét lộ trình phát triển của phần mềm 
công nghiệp Trung Quốc là nước đi trước chúng ta trong lĩnh vực này. Có thể nói, trước năm 1990, phần mềm công nghiệp tại đây có vị trí không đáng kể, vì những công ty lớn nhất hiện nay tại Trung Quốc về lĩnh vực này đều thành lập sau năm 1992-1993. Có thể kể đến hai “đại gia” là công ty HollySys và SUPCON với các nét chung sau đây:
- Cả hai ban đầu đều tập trung vào thiết kế các hệ thống điều khiển phân tán (DCS), các hệ thống thu thập dữ liệu và điều khiển (SCADA), các hệ thống điều khiển PLC ... sau đó là các thiết bị phần cứng. Nguồn lực công nghệ ban đầu được tiếp thu thông qua các kỹ sư trẻ du học từ Âu Mỹ, nhưng sau này là do công tác nghiên cứu -phát triển (R&D);
- Có thể do những nguyên nhân khách quan hay chủ quan như điều kiện triển khai ứng dụng thuận lợi, sự hỗ trợ tốt của các ngành công nghiệp liên quan, qui trình đấu thầu lành mạnh, ý chí tự cường của người Trung Quốc ..., nên tốc độ phát triển của các công ty này rất cao, có khi tới 40-50%/năm trong thời gian dài. Theo số liệu không chính thức thì doanh thu năm 2004 của HollySys là 120 triệu USD, còn SUPCON năm 2005 là 130 triệu USD (cả phần mềm và thiết bị). Số lượng nhân viên đều từ xấp xỉ 1000 người trở lên;
- Hiện nay cả hai đã tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm thông qua các dự án được thực hiện (trên 2000-3000) trong nhiều lĩnh vực khác nhau, do đó càng đẩy nhanh tốc độ phân hoá trong số các nhà cung cấp giải pháp tự động hoá nội địa. Họ có nhiều sản phẩm đã được chuẩn hoá, tích hợp trọn gói cả phần cứng lẫn phần mềm. Họ đã lọt vào TOP 100 các nhà cung cấp giải pháp phần mềm của Trung Quốc và đang có tham vọng vươn mạnh ra thị trường quốc tế.
Trong giai đoạn ban đầu, với những kỹ sư công nghệ chưa có nhiều kinh nghiệm, họ đã làm ra những sản phẩm được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, cũng có thể thấy rằng chắc chắn đó không phải là những sản phẩm hoàn thiện, vì chúng liên tục được thay đổi và nâng cấp về sau này. Sự rộng lượng và niềm tin của khách hàng trong giai đoạn này đóng vai trò rất quan trọng để các công ty Trung Quốc có thể yên tâm đầu tư phát triển tiềm lực công nghệ của mình. Và hiện nay thị trường tự động hoá nội địa Trung Quốc đang được hưởng lợi từ các thành quả phát triển này. Đó là kết quả của sự hợp tác nhìn xa trông rộng giữa nhà cung cấp công nghệ và bên nhận chuyển giao công nghệ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Macys Printable Coupons
Tweet